Các sự việc xoay quanh giải đấu Giải_bóng_đá_Vô_địch_Quốc_gia_2023

Xung đột lợi ích liên quan đến nhà tài trợ

Trước khi mùa giải mới bắt đầu, ngày 18 tháng 1 năm 2023, VPF đã gửi công văn thông báo tới Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) về việc nhà tài trợ mới của đội bóng này - Tập đoàn Carabao (Thái Lan) - đã va chạm quyền lợi với nhà tài trợ chính của giải đấu (Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum), và yêu cầu đội bóng không được sử dụng các hình ảnh của nhà tài trợ mới trong phạm vi liên quan tới giải vô địch quốc gia.[4] Đáp lại, phía HAGL tuyên bố họ sẽ ngừng tham dự V.League 2023 nếu VPF không cho họ quảng cáo nhà tài trợ. Trong văn bản phúc đáp, đại diện CLB nhấn mạnh họ ký kết hợp đồng tài trợ với Carabao trước khi VPF công bố thương hiệu nước tăng lực cho giải đấu, hơn nữa việc khai thác ngành hàng nước tăng lực tài trợ cho đội đã được thực hiện liên tục từ năm 2021 (khi còn hợp đồng với nhà tài trợ cũ) nên VPF không thể cấm HAGL làm điều đó trong mùa giải mới. Văn bản này đúc kết, "quyết định của VPF là hoàn toàn vô lý và không tạo điều kiện cho CLB HAGL phát triển".[5]

Sau đó, các bên liên quan gồm HAGL, VPF, Carabao và nhà tài trợ bước đầu đã có những thỏa thuận với nhau. Theo đó, Night Wolf sẵn sàng nhượng bộ việc tài trợ cho đối tác của HAGL trên cơ sở được VPF chấp thuận; nhà tài trợ mới phải cam kết tài trợ cho V.League ít nhất trong 3 mùa giải liên tiếp với giá trị hợp đồng không thấp hơn hợp đồng hiện tại. Đổi lại, toàn bộ 14 câu lạc bộ V.League sẽ được sử dụng hình ảnh quảng cáo nước tăng lực cũng như các sản phẩm trùng với ngành hàng của nhà tài trợ mới.[6] Phía Sâm Ngọc Linh cũng cho biết luôn sẵn sàng chia sẻ với các CLB nhưng không phá vỡ các quy định, thông lệ đã có.[7]

Ngày 30 tháng 1, VPF tiếp tục đề nghị HAGL không được sử dụng hình ảnh của Carabao để tiến hành các hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ mùa giải 2023. Cùng ngày, HAGL cũng có công văn phản hồi VPF thông báo đội bóng này nhiều khả năng sẽ không thể tham dự mùa giải 2023 do không đủ tài chính duy trì hoạt động, nhưng họ vẫn sẽ nỗ lực đàm phán với nhà tài trợ chính của đội.[8] Khúc mắc sau đó phần nào được gỡ bỏ khi vào ngày 1 tháng 2, phía HAGL đề xuất phương án giải quyết, trong đó logo Carabao (không có chữ nước tăng lực bằng tiếng Anh và tiếng Việt) tiếp tục xuất hiện trên trang phục thi đấu và tập luyện của CLB, các hạng mục của bộ nhận diện và quảng cáo trong sân. Các hoạt động quảng bá sản phẩm sẽ được tiến hành bên ngoài sân thi đấu và ở những khu vực thích hợp tách biệt với nhà tài trợ chính.[9] Đề xuất này của HAGL đã được VPF chấp thuận.[10]

Mặc dù vậy, trong ngày 2 tháng 2, HAGL gửi công văn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam kiến nghị các cơ quan này xem xét và có ý kiến để VPF sửa đổi điều lệ V.League 2023. HAGL cho rằng quy định độc quyền của VPF, xét ở góc độ đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo quy định pháp luật, là không phù hợp khi nó "dẫn đến sự trói buộc việc tìm nguồn tài trợ cho hoạt động của các CLB bóng đá, nhất là trong tình hình khó khăn về kinh tế như hiện nay".[11] Thậm chí, HAGL còn đâm đơn kiện VPF ra Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - nơi VPF đặt trụ sở công ty - với lý do quy định của VPF đi ngược với quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam do VFF ban hành và vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.[12][13] Đơn được ký hôm 4 tháng 2 và được toà án tiếp nhận vào ngày 7 tháng 2.[14]

Sai lầm trong công tác điều hành trận đấu của trọng tài

Vòng 1

Hải Phòng gặp Becamex Bình Dương

Trong trận Hải Phòng gặp Becamex Bình Dương, Trần Trung Hiếu (Becamex Bình Dương) để bóng chạm tay ở vị trí nhạy cảm. Các cầu thủ Hải Phòng cho rằng đó là tình huống diễn ra trong vòng cấm và yêu cầu một quả phạt đền, tuy nhiên trọng tài Nguyễn Viết Duẩn quyết định một quả phạt bên ngoài vòng cấm Becamex Bình Dương. Sau đó, Nguyễn Hải Huy đột phá và bị ngã trong vòng cấm Becamex Bình Dương, nhưng trọng tài cho rằng không có lỗi của hậu vệ đội khách.[15]

Viettel gặp Hà Nội

Trong trận Viettel gặp Hà Nội, trợ lý trọng tài đã mắc sai lầm khi căng cờ báo việt vị trong tình huống Trần Danh Trung của Viettel vẫn còn đứng trên hậu vệ cuối cùng của Hà Nội.[16]

Vòng 5

Thép Xanh Nam Định gặp Khánh Hòa

Trong trận Thép Xanh Nam Định gặp Khánh Hòa trên sân Thiên Trường, trong tình huống tấn công ở phút bù giờ, Mai Xuân Quyết (Thép Xanh Nam Định) lao xuống và có pha cao chân đạp vào bóng rồi xô thẳng tới thủ môn Võ Ngọc Cường (Khánh Hoà). Ngay lập tức, trọng tài Trương Hồng Vũ cho Thép Xanh Nam Định hưởng 11m rồi định rút thẻ đỏ với thủ môn Võ Ngọc Cường. Tuy nhiên sau đó, ông Trương Hồng Vũ lại đổi ý, chỉ rút thẻ vàng với thủ môn của Khánh Hòa.

Ngoài khán giả Nam Định, quyết định này của trọng tài Vũ gây nên bất bình vì ở pha quay chậm cho thấy tình huống phạt đền là tương đối nhạy cảm. Cho nên việc Khánh Hoà phải nhận quả phạt 11m dẫn tới bị gỡ hòa 1–1 dường như là quyết định sai lầm.[17]

Theo nhận định của Ban trọng tài, trọng tài Trương Hồng Vũ đã đưa ra quyết định đúng trong tình huống dẫn tới quả phạt 11m dành cho Thép Xanh Nam Định. Cụ thể, Ban Trọng tài phân tích, cầu thủ Mai Xuân Quyết của Thép Xanh Nam Định đã chủ động chơi bóng và đã kiểm soát trái bóng trước khi thủ môn Võ Ngọc Cường bên phía Khánh Hòa băng ra với tốc độ cao, không kiểm soát được tốc độ và va chạm với cầu thủ Mai Xuân Quyết. Trọng tài Trương Hồng Vũ ban đầu cầm thẻ đỏ trên tay nhưng chưa đưa ra quyết định phạt thẻ đỏ đối với thủ môn của Khánh Hòa. Xét thấy sau tình huống thủ môn của Khánh Hòa phạm lỗi và cơ hội ghi bàn thắng của Thép Xanh Nam Định đã được tái lập thông qua quả đá phạt 11m, trọng tài Trương Hồng Vũ đã quyết định phạt thẻ vàng cho thủ môn của Khánh Hoà. Đây là quyết định đúng với tinh thần luật.

Sau trận đấu, HLV Võ Đình Tân của Khánh Hòa bức xúc: "Rõ ràng cầu thủ Nam Định đã dùng chân đạp sau khi tâng bóng lên, chân vung thẳng vào ngực thủ môn Khánh Hòa. Vậy thì lấy lý do gì để thổi phạt đền và định phạt thẻ đỏ thủ môn? Không có lý do gì hết. Thủ môn Khánh Hòa đang trong đà lao ra, không hề cản người, chưa hề chạm ai thì bên kia đạp thẳng vào ngực, chứ không phải cầu thủ Nam Định lướt đến rồi bị cản lại. Ban tổ chức hãy về xem lại xem tình huống đó như thế nào".[18]

Thành phố Hồ Chí Minh gặp Hà Nội

Trong trận Thành phố Hồ Chí Minh gặp Hà Nội trên sân Thống Nhất, ở phút 38, trọng tài biên Nguyễn Lâm Minh Đăng không phất cờ việt vị trong pha ghi bàn mở tỉ số của Lucão (Hà Nội). Điều này khiến các cầu thủ Thành phố Hồ Chí Minh lao ra đường biên để phản ứng. Họ cho rằng cầu thủ số 7 rơi vào thế việt vị trước khi ghi bàn. Pha chiếu chậm trên truyền hình cho thấy dường như trọng tài biên mắc sai lầm. Lucão đứng dưới hàng thủ đối phương khoảng 1/3 thân người khi Văn Quyết chuyền bóng cho anh.

Sau trận đấu, HLV Vũ Tiến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ trích ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTT T&T (đơn vị chủ quản của CLB Hà Nội): "Tôi nói thật là cứ đá với Hà Nội là thua vì trọng tài. Tôi sẽ có người làm thống kê các trận đấu như vậy. Đá như vậy làm sao mà đá lại. Tôi nhiều lần phê bình VPF rồi, làm sao để Chủ tịch CLB Hà Nội nằm trong đó. Làm như vậy thì ai chịu cho nổi". Ông nhấn mạnh: "Hà Nội vừa hay lại vừa được trọng tài ủng hộ như vậy thì ai đá lại. Chơi thì phải chơi nghĩa khí. Họ cũng không cần phải mua trọng tài. Giờ thì chúng tôi phải chấp nhận kết quả mà đá tiếp thôi chứ sao. Đó là chưa nói đến Nam Định, không có 2 điểm của TP.HCM, không có điểm của Khánh Hòa thì họ chỉ có 6 điểm".[19]

Vòng 6

Hà Nội gặp Hải Phòng

Ngay phút đầu tiên của trận đấu, Hải Phòng đã phải chịu quả penalty sau khi trọng tài xác định Nguyễn Kiên Quyết (Hải Phòng) phạm lỗi với Lê Xuân Tú (Hà Nội) trong vòng cấm và Hà Nội đã vươn lên dẫn trước 1-0 sau đó.[20] HLV Chu Đình Nghiêm (Hải Phòng) cho rằng trọng tài chính đã mắc lỗi nhận định trong tình huống thổi phạt đền cho Hà Nội khiến Hải Phòng thủng lưới sớm.[21] Video tổng hợp cho thấy Kiên Quyết phạm lỗi với Xuân Tú ở ngoài vòng cấm nhưng trọng tài xác định ở trong vòng cấm.[22][23]

Xâm phạm thân thể trọng tài

Sau khi xâm phạm thân thể của trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành bằng hình thức thúc củi chỏ vào ngực trọng tài và phải nhận thẻ đỏ từ trọng tài chính Nguyễn Mạnh Hải trong trận gặp Topenland Bình Định tại vòng 7, Văn Quyết của CLB Hà Nội bị Ban kỷ luật VFF ra án phạt kịch khung với việc treo giò 8 trận và phạt 40 triệu đồng.[24][25][26]

Các quãng nghỉ quá dài khiến giải đấu mất tính liên tục

Sau vòng 4, Giải bóng đá Vô địch Quốc gia 2023 tạm nghỉ nghỉ đến tháng 4, tức là, giải đấu tạm nghỉ sau ngày 19 tháng 2 để nhường chỗ cho các đội tuyển quốc gia tập trung và trở lại từ ngày 6 tháng 4. Báo Dân Việt nhận định, đây là câu chuyện khó tin của sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam khi 14 câu lạc bộ phải tập chay hơn một tháng rưỡi. Bên cạnh đó, báo còn cho biết, chuyện nghỉ dài kéo theo việc xếp lịch thi đấu theo kiểu "dồn toa", rồi các trận đấu đá không vào được những ngày đẹp (cuối tuần) để các câu lạc bộ có thể bán vé, bởi những ngày giữa tuần khó thu hút đông đảo khán giả đến sân; nghĩa là họ sẽ bị thất thu về tiền vé, ảnh hưởng đến việc quảng bá cho các nhà tài trợ, còn các cầu thủ đá liên tục thì khó có thể thi đấu với phong độ tốt nhất để cống hiến cho khán giả.[27] Trong khi đó, trang VOV2 của Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng khi V.League mùa này tạm nghỉ tới gần 50 ngày, trong bối cảnh vừa mới chỉ đi qua 4 vòng đấu thì rõ ràng đó là tình cảnh "dở khóc, dở cười".[28] Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Hồng Lĩnh Hà Tĩnh không còn duy trì được phong độ và dần bộc lộ những điểm yếu sau màn khởi đầu khá ấn tượng của họ ở đầu mùa giải.[29]

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ về những quãng V.League 2023 nghỉ thi đấu, huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng của Topenland Bình Định nêu quan điểm: "Tôi đã nói nhiều về việc này từ năm 2017 nhưng tình hình vẫn tiếp diễn và các CLB buộc phải thích nghi. Chúng ta cũng phải thông cảm cho ban tổ chức trong việc V.League có nhiều quãng nghỉ cho các đội tuyển tập trung. Ưu tiên thành tích của đội tuyển là nhiệm vụ mà các CLB phải phục vụ và có trách nhiệm". Trong khi đó, ông Vũ Hồng Việt - huấn luyện viên trưởng của đội Nam Định cho biết: "V.League nghỉ dài ngày vì đội tuyển quốc gia đã là quá rồi. Nay lại thêm tuyển U20 nữa thì rất không nên. Các đội bóng cần đóng góp tiếng nói trong việc sắp xếp lịch thi đấu".[28][30] Sau trận thua Hà Tĩnh 2-3 tại vòng 4 V.League tối ngày 18 tháng 2, ông Chu Đình Nghiêm, huấn luyện viên của Câu lạc bộ Hải Phòng, cho biết: "Hai quãng nghỉ sắp tới dài gần 50 ngày dù chỉ mới qua 4 vòng, gây khó cho các CLB. Các cầu thủ chỉ vừa bắt nhịp với cường độ thi đấu thì đã phải nghỉ dài. Khi trở lại, các HLV phải giúp họ bắt nhịp trở lại. Tôi thấy giải đấu bị cắt vụn ra quá nhiều".[31] Tiền vệ Lương Xuân Trường trao đổi với VTC News rằng việc nghỉ quá lâu có thể ảnh hưởng nhiều đến phong độ của các cầu thủ.[32]

Sau khi trở lại vào ngày 6 tháng 4, giải chỉ thi đấu được thêm 10 ngày, rồi tiếp tục tạm nghỉ đến ngày 19 tháng 5. Ông Božidar Bandović, huấn luyện viên trưởng của Câu lạc bộ Hà Nội thờ dài ngao ngán khi được hỏi về những quãng nghỉ này: "Thật sự đó là những quãng nghỉ rất dài. Chúng ta sẽ nghỉ một tháng rưỡi, rồi sau 3 trận nữa chúng ta lại nghỉ 35 ngày. Tôi chưa từng gặp quãng nghỉ như thế này. Khi làm việc ở Thái Lan thì tôi cũng gặp quãng nghỉ, nhưng là quãng nghỉ bình thường giống như các giải VĐQG khác. Nhưng thực sự các tuyển thủ quốc gia cũng cần thời gian nghỉ ngơi, họ không thể tiếp tục thi đấu cường độ cao như này. Nhưng thực sự là tôi chưa bao giờ gặp quãng nghỉ như thế này".[28] Báo Công an nhân dân nhận định rằng những quãng nghỉ dài như thế này "cũng là điều mà các CLB khác phải chấp nhận. Họ vẫn phải trả lương cho cầu thủ trong thời gian giải đấu tạm nghỉ, nhưng không có thêm nguồn thu nào. Cách duy nhất là các đội bóng tự tổ chức giải đấu".[33]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giải_bóng_đá_Vô_địch_Quốc_gia_2023 https://www.youtube.com/watch?v=9-GBwfikm14 https://vnexpress.net/hagl-da-gui-don-kien-vpf-456... https://web.archive.org/web/20221121052940/https:/... https://web.archive.org/web/20230117152454/https:/... https://web.archive.org/web/20230119235558/https:/... https://web.archive.org/web/20230120154654/https:/... https://web.archive.org/web/20230123060916/https:/... https://web.archive.org/web/20230125180839/https:/... https://web.archive.org/web/20230131140359/https:/... https://web.archive.org/web/20230202070618/https:/...